Góc Suy Ngẫm – Chuyện Hai Chú Mèo
Nhà tôi có hai chú mèo: một mèo đen giống American Short Hair, một mèo màu hổ phách giống Norwegian Forest Cat. Bình thường hai em rất yêu thương nhau lúc nào cũng liếm lông cho nhau và chơi đùa cùng nhau, khi một trong hai em mèo được (“bị”?) bế đi chơi thì em kia sẽ lo lắng và mweoo rất nhiều, tôi tạm gọi là khóc đi.
Chuyện sẽ không có gì đáng bàn cho đến khi có một anh mèo to xù lực lưỡng khác (trong tầm 1 năm đổ lại đây) lân la tới quanh khu nhà và gầm gừ tỏ vẻ như “ta đây bên ngoài, còn nhà ngươi ở trong nhà thì đây là lãnh địa của ta” vậy. Thậm chí có vài lần con mèo lông xù còn đái trước cửa nhà (để đánh dấu lãnh địa) và gây bực bội luôn cả người ko liên quan (là tôi). Hai chú mèo mỗi khi có sự hiện diện của em mèo lông xù thì không chỉ gầm gừ với kẻ địch bên ngoài mà còn rất khó hiểu lại quay qua tấn công nhau sứt đầu mẻ trán????!!! Em mèo đen tấn công em mèo hổ phách và em mèo đen lúc nào cũng thắng, em mèo hổ phách lúc nào cũng đi trốn và trông vẻ mặt vô cùng đáng thương.
Câu hỏi đặt ra là: tại sao mèo hoặc một số loài động vật lại có hành vi này? Tấn công đồng bọn để giải toả áp lực từ bên ngoài?
Thực ra suy nghĩ kỹ mà nói, khuynh hướng này của động vật và của chúng ta cũng khá giống nhau. Cũng như những sinh vật khác, con người chúng ta là sản phẩm của môi trường sống, và thường bị những ảnh hưởng ngoại cảnh khiến ta bất an hay áp lực. Ảnh hưởng này có thể bắt nguồn từ quá khứ, từ môi trường sinh trưởng, giáo dục cho tới môi trường sống hiện tại, chúng ta thường sẽ thiếu cảm giác an toàn, mà sự an toàn là điều căn bản đa phần sinh vật khao khát nhất, vậy nên tự đó sinh ra các hành vi rút lui (withdrawal), sự hung hăng (aggression), sự giận dữ (anger), hoặc các hành vi có tính hủy hoại khác (destructive behaviors), thậm chí tổn thương cả những người ko liên quan hoặc người ta yêu mến, người ta sống chung dưới một mái nhà.
Hai chữ “con người”, được cắt nghĩa phần “con” nhiều hơn hay là phần “người” nhiều hơn tùy thuộc vào vấn đề chúng ta có nhận diện được nguyên do đằng sau các cảm xúc, suy nghĩ, và hành vi của mình hay không (self-awareness), có vậy thì ta mới có thể có sự điều chỉnh theo phương án giải quyết (problem-solving) hay là trường phái ôn hoà. Nếu ko ta sẽ sống như một “con” nhiều hơn chữ “người”. Giáo dục chính mình là cách duy nhất giúp ta thiên về vế sau hơn vế trước.
Hai con mèo – một câu chuyện – bao suy nghĩ.
Chúc mọi người một ngày bình an.
Lê Nguyên
May, 2020