Trải Nghiệm Du Lịch Tại Đảo O’ahu, Hawaii, Mỹ
Hawaii trở thành tiểu bang thứ 50 của nước Mỹ vào ngày 21/8/1959 và trước đó Hawaii đã từng là một quốc gia độc lập. Là một quần dảo núi lửa nằm ngay giữa biển Thái Bình Dương, Hawaii có nền kinh tế nông nghiệp và sản xuất đa dạng, đặc biệt được biết đến với các nghiên cứu và phát triển ở mảng địa vật lý, hải dương học, truyền thông vệ tinh và y sinh học. Ở góc cạnh lịch sử, ta nghe nói về Hawaii với sự kiện Trân Châu Cảng làm chấn động thế giới trước đây, vị trí chiến lược phòng thủ của Hawaii với Hoa Kỳ cũng vô cùng quan trọng.
Khi nói tới Hawaii, cũng như bang Alaska, đều có vị trí tách biệt đặc biệt với 48 bang còn lại của Mỹ, cho nên ở đây văn hóa bản địa cũng khá khác biệt. Người ta thường nói về Hawaii như một thiên đường nghỉ dưỡng và du lịch biển. Bộ phim nổi tiếng “Lost” của Mỹ cũng được quay tại đây. Với khí hậu nhiệt đới biển, có thể nói ai tới Hawaii cũng không bao giờ quên được khung cảnh nơi này.
Dù có tới 8 đảo chính gồm Niihau, Kauai, O’ahu, Molokai, Lanai, Kahoolawe, Maui, và Hawaii ở khu vực quần đảo này, người đi du lịch thường nói tới thành phố Honolulu ở đảo O’ahu, là đảo có tới 2/3 số dân cư ngụ đa phần là người gốc Á sống ở đây và có thể nói đặc điểm văn hóa ở khu vực này là sự pha lẫn giữa văn hóa Á-Âu kết hợp đặc biệt. Đây cũng là nơi có khách du lịch tới đông đúc nhất hằng năm. Vì các đảo cách nhau khá xa, cho nên khi đặt vé máy bay, bạn phải đặt cố định một đảo, và muốn đi từ đảo này qua đảo khác, phải tiếp tục đặt vé máy bay qua đảo khác hoặc đi tàu nhưng khá là tốn công. Tôi đã có dịp ghé thăm O’ahu vào đầu năm 2022 và vì thời điểm này Covid-19 vẫn chưa kết thúc cho nên có một số hạn chế nhất định khi đi thăm thú. Tôi đã trông ngóng việc được đi thăm một số những trạm thiên văn nổi tiếng nhất thế giới tại đây gồm Mauna Kea và Subaru Telescope tại đây, nhưng lại phải hủy đi bởi vì Covid nên họ đã tạm đóng cửa.
Khi đến với Hawaii, tôi đã trông đợi những cảnh thiên nhiên đa dạng từ những bãi biển nhiệt đới, cảnh núi lửa hùng vĩ, và khí hậu ẩm nóng hai mùa khô và mưa như ở Việt Nam, và đúng thực là tôi không bị thất vọng. Vừa bước xuống sân bay tôi đã có cảm giác như mình đang ở một phiên bản khác của quê hương Việt Nam vậy. Mùi không khí và gió ập vào mũi, khung cảnh cây phượng vĩ lớn quen thuộc ngay giữa khuôn viên sân bay làm tôi nhớ nhà diết.
Vì thời gian đến thăm là hơn 10 ngày, cho nên các điểm đi có chút giới hạn. Nhưng nhìn chung, vẫn là một trải nghiệm đáng nhớ. Vì Honolulu là một thành phố lớn với số dân đông, cho nên ở khu trung tâm cảnh quan có chút ồn ào và đường phố không quá sạch đẹp, nhưng đi xa tới các vị trí bãi biển và vùng ven thì cảnh đẹp choáng ngợp. Dưới đây là một danh sách những điểm chúng tôi đã có dịp ghé qua kèm hình ảnh
- Waikiki Beach
Ở trung tâm O’ahu người ta thích đến khu vực biển Waikiki Beach để vui chơi mua sắm, xem show, và đi ăn uống. Dưới đây là một số hình ảnh đường phố, những trung tâm mua sắm, cây đa già tuyệt đẹp, và bãi biển Waikiki chật ních người. Ở đây cũng có một số quán ăn và quán cà phê ngon, cho nên bạn nào thích sự náo nhiệt, lựa chọn khách sạn ngay tại trung tâm Waikiki Beach là một trải nghiệm không tồi. Quanh đây phương tiện đi lại cũng khá dễ dàng, bạn có thể dùng “Biki”, dịch vụ xe đạp quanh thành phố để ngắm cảnh thay vì đi bộ cũng rất tiện nghi. Lưu ý vì đây là trung tâm du lịch biển, chúng ta sẽ không trải nghiệm được văn hóa thực sự của người dân địa phương Hawaii, mà là văn hóa du lịch điển hình.
Quán mì tươi tại trung tâm Waikiki Beach: Marugame Udon là một điểm ăn uống rất nổi tiếng. Ở đây có những hàng dài người chờ đợi vì thế nên tránh đi những giờ cao điểm. Nước mì rất thơm ngon và sợi mì dai, có đủ lựa chọn cho người ăn mặn lẫn ăn chay.
Ở quanh khu vực Waikiki Beach, có một quán cà phê khá hợp khẩu vị gần khách sạn mà tôi chọn ở: Kai Coffee. Tôi vẫn nhớ những khoảnh khắc nhâm nhi cốc latte và đọc sách buổi sáng tại đây. Vì ở đây là khu vực du khách nhiều cho nên chỉ cần đi ra ngoài là sẽ thấy bãi biển và có thể vui chơi ở đó. Cá nhân tôi không thích bãi biển tại khu vực trung tâm này bởi vì quá đông người ở các giờ cao điểm, cho nên tôi hay đi dạo bãi biển buổi sáng khi có ít người hơn và sau đó dành thời gian đi xe buýt đến khám phá các nơi khác của thành phố.
Thảm thực vật rất giống ở Việt Nam. Đặc biệt là hoa giấy, hoa sữa, và hoa dâm bụt, không chỉ được trồng ở rất nhiều nhà hộ dân mà còn ở những địa điểm công cộng.
2. Bishop Museum – hay còn gọi là Hawai’i State Museum of Natural and Cultural History.
Đây là viện bảo tàng về lịch sử và khoa học tại thành phố Honolulu. Được thành lập năm 1989, đây là bảo tàng lớn nhất tại tiểu bang Hawai’i và những hiện vật về lịch sử văn hóa bản địa Polynesian. Bảo tàng được Charles Reed Bishop (1822-1915) là một nhà tài phiệt cũng là nhà từ thiện đã xây dựng bảo tàng này để tưởng nhớ người vợ đã khuất là Công Chúa Bernice Pauahi Bishop (1831-1884), là người thừa kế cuối cùng của Đế Chế Kamehameha, Vương Quốc Hawai’i (từ năm 1810 tới năm 1872).
Đến viện bảo tàng, bạn sẽ thấy điểm nhấn nằm ngay trưng bày bộ xương cá voi hoàn chỉnh ngay khi bước vào cửa. Ban cũng sẽ thấy hứng thú với rất nhiều những thông tin về văn hóa người bản địa ở đây, đặc điểm địa lý, thảm thực vật và động vật, và có cả những kiến thức về tính tương quan giữa các ngôn ngữ quanh khu vực này. Thông tin rất thú vị!
3. Pearl Habor (Trân Châu Cảng)
Nhắc đến Trân Châu Cảng thì chắc hẳn người ta đa phần sẽ nhớ đến cuộc chiến nổi tiếng giữa Đế Quốc Nhật và Hoa Kỳ năm 1941. Đây là trận chiến khởi đầu cho việc tham chiến vào Thế Chiến Thứ 2 của Mỹ. Đến thăm nơi này, khi vào viện bảo tàng tại cảng, tôi đã có dịp xem đoạn phim tài liệu về cuộc chiến với những dữ kiện kinh hoàng, thương vong, chết chóc, và khổ đau khi bom mìn oanh tạc. Viện bảo tàng cũng trưng bày rất nhiều chứng tích chiến tranh như một lời nhắc nhở cho chúng ta về quá khứ loạn lạc để có lẽ ta có thể nhìn ngắm mặt biển trong xanh và bầu trời cao rộng kia một cách tĩnh lặng và biết ơn hơn chăng?
4. Hoʻomaluhia Botanical Garden (Vườn Thực Vật Ho’omaluhia)
Tôi thích nhất là đi hiking hoặc trekking, đi bộ đường dài hòa mình vào thiên nhiên, ngắm trời mây cây cỏ thực sự là một khoảng thời gian tuyệt vời. Vì thế, đến đảo O’ahu tôi đã nhất quyết phải đến thăm vườn thực vật Hoʻomaluhia Botanical Garden nổi tiếng. Khu vực này bao gồm một cái hồ, các tuyến đường đi bộ (walking trails) và viện trưng bày. Vì các trails cũng khá ngắn cho nên đi hiking cũng khá nhẹ nhàng. Cảnh quan ở đây đẹp choáng ngợp, cảnh những dãy núi xa xa bao phủ bởi những tầng mây trắng, cảnh hồ yên tĩnh, không khí trong lành, và hơn hết là ở đây rất vắng người so với khu phố thị xô bồ. Dưới đây là một số hình ảnh:
5. Diamond Head Crater
Diamond Head Crater là một miệng núi lửa cổ đại, đã không hoạt động nữa khoản 150,000 năm. Ở đây có một con đường leo lên đỉnh dốc khá là đẹp. Leo lên khá là mệt nhưng cảnh rất đẹp và đáng chuyến đi. Từ đỉnh bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố. Đây là một điểm chắc chắn phải đến thăm khi bạn đến đảo O’ahu.
Còn rất nhiều điểm khác nữa mà hy vọng tương lai tôi có dịp quay trở lại và khám phá! Với những bạn nào đi ngắn ngày, có thể tham khảo các địa điểm tôi vừa nêu ở trên và chúc các bạn một chuyến đi thật nhiều điều thú vị.
Lê Nguyên