Nỗi Nhớ Quê Hương.
Tuổi thơ tôi gắn liền với đất đỏ ba dan, với rãy cà phê, với sự quê mùa thô kệch, với sự ấm áp gần gũi của chiếc bàn may gỗ của ba, với căn bếp của mẹ.
Quê hương thay da đổi thịt từ vùng đất nghèo thành đô thị phát triển, cha mẹ cũng từ khó khổ mà đi lên, chỉ với mong ước cho con cái kiến thức mà thành người, thoát khỏi sự khó khổ lệ thuộc mang tính thế hệ. Vẫn còn nhớ mãi câu nói của cha mẹ “Bươn chải một đời, chắt chiu chỉ dành cho con, tiền tài được mất như gió, chỉ có tri thức và tấm lòng thiện là chân giá trị cuộc đời.”
Thuở thơ bé, một chiếc bánh thơm lựng mùi bơ sữa cũng đủ làm lòng vui cả ngày, lúc ấy niềm vui sướng giản đơn chỉ là những món ăn ưa thích, được chạy nhảy nô đùa ca hát. Lớn hơn, sự ngông cuồng của tuổi trẻ muốn được công nhận, thì niềm vui có tư vị của ích kỷ, sự sung sướng là cái tôi được thoả thuê yêu chiều, nhưng tới giây phút này, chưa già nhưng cũng không còn quá trẻ, lại cảm nhận thời gian sao lại chạy nhanh đến vậy, còn con người tại sao quá hờ hững với thời gian? Bỗng dưng lại nhận ra vẻ đẹp của vạn vật mà yêu chiều chính mình, đắm chìm trong hân hoan, trong sự trầm lắng và cả nỗi nhớ thương quê hương.
Việt Nam, vùng đất quê mùa, nhưng lại ngấm vào máu, đó là khung cảnh, là gia đình, là bữa cơm đậm mùi những loại mắm, là những ngày mưa gió, hay nắng chang chang, mùi thơm nồng của những món ngon mẹ nấu, pha lẫn cả sự càm ràm ấm áp, hay tiếng đàn chiều chiều về những bài hát thời chiến của ba.
Quê hương ơi, dù tôi ở tận phương trời xa xôi, tôi vẫn mang theo quê hương trong mình. Sự giản dị mộc mạc theo tôi tới mọi miền, tôi bỗng nghĩ về mình ở hiện tại, một khuôn mặt mộc, một bộ đồ cũ, có vậy thôi mà lại thấy hài lòng. Với tôi, cầu vọng lúc này lại là những thứ đơn giản đến tẻ nhạt, nhưng bù lại việc chấp nhận một bản thể kém hoàn hảo của mình và nỗi nhớ man mác này cũng được liệt vào tự vị của hạnh phúc.
Lê Nguyên 2017