Tản Văn Tản Văn - Thơ

Hơi Thở / Chúng Ta Liệu Có Tự Do Ý Chí?

Hơi thở là thứ quan trọng nhất nhưng chúng ta lại thường có thói quen coi thường nó. Trong khi đọc bài viết viết này, tôi đề nghị các bạn hãy thử để ý đến hơi thở của mình qua các bước sau:
Bước 1: Chọn một nơi yên tĩnh, nếu có cây xanh càng tốt, tắt điện thoại, bỏ qua một bên, hít thật sâu tầm năm đến bảy giây , sau đó thở chậm rãi.
Bước 2: Tập trung cảm nhận luồng hơi thở phả ra nhẹ nhàng từ cánh mũi, lắng nghe âm thanh ấy và cố gắng nhìn tập trung vào một điểm trọng tâm trong đầu.
Bước 3: Lặp lại liên tục như vậy từ mười đến hai mươi lần.

Bạn đang tập bài thiền thư giãn cơ bản dành cho người mới bắt đầu đấy. Cá nhân tôi cho rằng việc tập thở là thời gian tuyệt vời để yêu bản thân và cũng bước đầu tiên giúp tôi thông suốt mạch lạc hóa những dòng tư tưởng của mình. Khi chúng ta tĩnh lặng tâm trí, thì những dòng suy nghĩ sẽ tự tới không kiểm soát được. Ví dụ tôi đâu thể chọn được suy nghĩ A thay vì suy nghĩ B, đúng chứ? Chúng tự xuất hiện, những lo âu vụt vãnh hằng ngày, sự sợ hãi, những hối hận trong quá khứ và những khao khát kỳ vọng của tương lai? Tất cả những suy nghĩ này bắt nguồn từ nhận thức, là thứ vốn dĩ cũng chỉ là một sản phẩm của não bộ.

Có bao giờ chúng ta suy nghĩ về việc tại sao có người lại có thể tồn tại nhiều hơn một nhận thức? Ngày nay thay vì tin là “bị ma nhập”, khoa học đã giải thích được nguyên nhân về việc phát triển các chứng đa nhân cách của bệnh nhân là đa phần đến từ “trauma” – biến cố tâm lý lớn. Ta có thể gói gọn hiểu rằng: khi cơ thể nhận diện được nguy hiểm lớn và nhân cách gốc không đủ khả năng thích nghi, thì một hay nhiều nhận thức mới (hay còn gọi là một hay nhiều nhân cách mới) được cơ thể tạo ra thêm để hỗ trợ về vấn đề sinh tồn hoặc điều chỉnh khả năng thích nghi đó. Tóm lại, dựa vào ví dụ này, ta có thể hiểu đại khái về vấn đề tâm trí và nhận thức ta đang có chỉ là một phần của cơ thể. Não bộ cũng như các bộ phận khác trong cơ thể chúng ta hoạt động theo những nguyên lý riêng cốt lõi với mục tiêu sinh tồn và phát triển giống loài.

Câu hỏi đặt ra là: liệu ta có thể điều khiển cách ta nghĩ, hay chính cảm xúc và suy nghĩ điều khiển ta?

Cảm xúc và suy nghĩ đều được hiểu là phản ứng của cơ thể chúng ta từ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ môi trường sống xung quanh.

Vậy ta có tự do trong ý chí như ta nghĩ hay không? Chẳng hạn như: liệu tôi muốn chăm chỉ hơn vào ngày mai, trở nên năng suất và hạnh phúc hơn thì cơ thể của tôi và cảm xúc của tôi sẽ nghe lời? Hay tôi muốn lờ đi những điều khiến tôi không thoải mái, liệu tôi có làm được không?

Câu trả lời là: KHÔNG, CHÚNG TA KHÔNG HỀ CÓ TỰ DO TRONG Ý CHÍ. Nếu các bạn muốn hiểu kỹ hơn về vấn đề này, bạn có thể tìm đọc thêm cuốn “Free Will” rất hay và chi tiết của nhà khoa học thần kinh Sam Harris để tìm hiểu thêm về các góc độ nghiên cứu của Khoa Học Thần Kinh về vấn đề Tự Do Ý Chí.

Tôi có thể nói gọn lại rằng: chúng ta bằng cách này hay cách khác đều là sản phẩm của môi trường sống: Mã ADN cũng biến đổi của môi trường qua nhiều thế hệ, môi trường sinh trưởng, bối cảnh giáo dục, suy nghĩ và xúc cảm – tất cả những yếu tố này tạo nên ta, chứ ta không tạo nên chúng ta. Ta chỉ có thể phản ứng lại với môi trường sống và có thể điều chỉnh thói quen để giúp định hình một môi trường an toàn hơn cho nhận thức của mình, và sự giao thoa tương hỗ này sẽ có tính cộng hưởng qua lại trong đời sống mỗi con người.


Trong quá trình tập thở, những suy nghĩ ập tới thường nghĩ về những điều gì? Về sức khỏe, về các mối quan hệ xã hội, công việc, tiền bạc, về ý nghĩa cuộc sống, hay đơn giản là tâm trí ta quá ồn ào tới nỗi ta chẳng thể nào tập trung?

Lý do tôi gọi thời gian tập thở là thời gian hoàn hảo nhất ta dành cho mình là bởi vì lúc này, ta có thể phân tích và nhìn nhận rõ ràng những suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không bị ảnh hưởng trực diện từ môi trường “đầy sự kích thích” xung quanh. Có lẽ nhiều người trong chúng ta đều nhận ra sức khoẻ là thứ ta cần coi trọng nhất, thiếu nó thì ta chẳng có gì, sau đó chính là ý niệm gắn kết với những người ta cho là quan trọng, ta phải hiểu rằng ta ko thể sống tách rời khỏi những mối quan hệ xung quanh, thế nên hãy chấp nhận bản thân để kết nối, có câu: “Ta chẳng thể yêu người nổi khi ta chưa biết yêu mình”. Hãy tha thứ nếu có thể, cho mình và cho cuộc đời bởi vì cũng như ta, thế giới có sự loạn lạc đớn đau đa phần bởi vì sự phản ứng và điều chỉnh chưa hợp lý của những tâm trí lạc lõng. Hãy thay đổi môi trường nếu cần và nếu có thể. Ngoài ra, ta hãy suy nghĩ về việc vận dụng với những mặt kém hoàn hảo của cuộc sống cùng những thử thách để mạnh mẽ hơn bởi vì bản năng của sinh vật vốn dĩ không thể phát triển nhờ vào sung sướng hay nhàn rỗi, hạnh phúc là một ảo ảnh tiến hóa tạo ra để thúc đẩy sự đi lên.

Tôi nghĩ về hơi thở của mình và tưởng tượng tiếng nước chảy. Tôi suy nghĩ về sự linh hoạt của nước và tính tĩnh lặng của nó. Hòn sỏi rơi vào nước, nước lung lay rồi cũng về vị trí cũ, vậy nên rèn tâm trí như nước, có thể gợi nên cho ta ý niệm về sự cân bằng trong nhận thức, là một phương thức hữu hiệu giúp ta tìm được nền tảng an toàn và yên bình cho chính bản thân mình. Và khi ta yên bình, thì ta đang tạo một phúc lợi lớn cho xã hội vì sự yên bình của chúng ta.

Mỗi một ngày ta lắng nghe hơi thở, quan sát và phân tích suy nghĩ ồn ào của mình, thì càng ngày hơi thở của chúng ta càng rõ rệt, và ta sẽ càng cho nó quan trọng. Có lẽ mỗi sáng được thức dậy gần như trở thành một đặc ân, một đặc ân mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đã coi nhẹ hoặc vô tình quên mất. Với tôi, quá khứ là những bài học quý, tương lai là sự bí ẩn tuyệt vời, và hiện tại mới chính là cuộc sống tôi đang có. Ngoài hơi thở ra, ta có coi nhẹ cái gì khác nữa không? Một chỗ trú mưa trú nắng, những bữa cơm đủ chất dinh dưỡng, những người thân xung quanh, hay một thế giới thật tiện nghi ta đang có, chúng ta có lẽ đã quên mất những thứ này vốn dĩ là mơ ước của thế hệ cha ông. Mỗi ngày một chút, thói quen điều hướng tư duy này có thể ảnh hưởng ngược lại chính tới cơ chế sinh tồn nguyên thủy của cơ thể, một sự giao hòa tuyệt vời tạo nên cộng hưởng tích cực cho cả thể chất lẫn tâm trí con người.

Lê Nguyên, Lake Oswego – Oregon (2020)

2 thoughts on “Hơi Thở / Chúng Ta Liệu Có Tự Do Ý Chí?

  1. Oi co oi, bai nay dung that la rat can thiet. Mac du em biet la tap hit tho sau con co the Tri duoc benh luon nhung em van bo qua, nen khong nhung tinh than lan Tri oc khong tap trung Mà cung khong duoc Minh man nua. Cam on co da viet bai vo cung y nghia❤️

  2. Sao bây giờ em mới đọc bài này của cô nhở. Ước gì e biết tới nó sớm hơn. Bài viết thật sự hay nè cô. Ủng hộ cô viết nữa nữa và nữa ạ 🥰🥰🥰 I’m really into them alot. 😉

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *