Hãy Tập Quen Với Việc Bị Ghét!
Có rất nhiều lý do người ta không thích bạn và sẽ luôn có người nào đó không thích bạn dù bạn có ở vị thế nào trong xã hội. Vì sao? Vì bản chất của con người luôn xoay quanh bản thân mình.
Chúng ta cũng như nhiều sinh vật khác, sở hữu loại “gene ích kỷ”. Tuy nhiên, loại gene ích kỷ chỉ nghĩ cho mình này nguồn gốc khởi sinh từ lý do sinh tồn và cũng từ đảm bảo sự sinh tồn này mà ta dù ích kỷ sẽ vẫn luôn luôn cần một cộng đồng để giảm thiểu nguy hiểm xung quanh và được tương trợ, hay nói cách khác ta cần người khác để sống, nên não bộ lại đi kèm thêm phần tương thân tương ái. Tóm lại chúng ta là một sinh vật được “thiết kế” bởi tạo hóa để sống chung với cộng đồng (a social being) đi kèm với bản ngã cô đơn và ích kỷ bên trong, cho nên thật chúng ta sẽ hóa điên nếu giả dụ bị ép nhốt vào một căn phòng kín trong một thời gian dài cũng vì vậy.
Bản chất chúng ta đều có bản ngã rất lớn, muốn được sự chú ý từ người khác, muốn được công nhận, muốn được yêu, muốn được cho là quan trọng, cho nên bất kể tác nhân nào tác động đến yếu tố “cái tôi” này sẽ bị “bật ngược” lại mạnh mẽ. Nói cách khác: “Tôi nói mình muốn biến mất đi là vì tôi muốn được tìm thấy” cũng là vì thế.
Khi thực tế giả như không đáp ứng được nhu cầu “được công nhận”, người ta sẽ tìm lối giải thoát, đa phần là qua sự giận dữ (aggression), bạo lực (violence), ganh ghét (jealousy), và sẽ có thêm cả các hướng giải thoát thụt lùi (withdrawal) hay chối bỏ xã hội (anti-social behaviors) hoặc các bệnh lý thần kinh nghiêm trọng hơn. Mỗi một chúng ta, đều ít nhiều đôi khi đều có cảm nhận này, đặc biệt với mạng xã hội ngày nay, người người đều thể hiện cuộc sống của họ, thể hiện những góc nhìn một phía từ cuộc sống của họ lên mạng xã hội. Nhu cầu kết nối và công nhận được đẩy lên nhiều mức so với xã hội truyền thống trước thời có mạng Internet. Đa phần những cảm nhận được liệt kê dưới đây khá phổ biến gồm:
– Người khác đang “làm tốt” hơn mình. Ta lướt mạng xã hội, mỗi ngày thấy bạn bè chúng ta sống cuộc đời giàu sang thú vị, những chuyến du lịch của ai đó, một gia đình “trông hạnh phúc”, những điều đó đều trực tiếp khiến ta so sánh với bản thân mình. Chưa xét bao nhiêu phần “thật” từ những bức ảnh đó, có rất nhiều người đặc biệt nếu như họ không có “self-esteem” mạnh (người tự ti) sẽ càng tự ti hơn về cuộc sống của mình hoặc sẽ có cảm giác ganh ghét với những đối tượng khác mà cho họ rằng “tốt hơn mình”.
– Ta so sánh con cái mình với người khác, hy vọng con mình sẽ noi gương những người đó, hay áp đặt quan điểm, suy nghĩ và kỳ vọng của ta mà quên mất rằng đứa con của mình là cá thể độc lập, vì muốn được công nhận bãn ngã (identity) của chúng cũng như ta, đều có khao khát được sự đánh giá cao và thấu hiểu, chúng có thể xa lánh và nổi loạn với chính gia đình của mình.
– Ta có khuynh hướng không vui với những quan điểm ko đồng thuận với mình và cho rằng “thế giới mình hiểu và thế giới mình biết là chân lý” và dễ phản pháo lại khi ai đó chỉ ra các lỗi của chúng ta. Lý do: ý kiến của “tôi” phải được công nhận và phải được xác nhận đồng thuận, như vậy ta đang thể hiện quan điểm để xác nhận danh tính của bản thân chứ không hẳn là để học tập để mở rộng góc nhìn, tư tưởng của ta bị bó trong một cái hộp, một chiều. Nhiều người trong chúng ta không muốn thay đổi. Thậm chí có nhiều người tranh cãi nảy lửa hay từ mặt người khác cũng chỉ vì vài lời nói “quan điểm” của mình.
– Ta có khuynh hướng tự cho mình là trọng tâm (“self-absorbed”) hay khuynh hướng đổ lỗi. Khuynh hướng đổ lỗi cuộc đời và không có sự độc lập hay mở rộng trong suy nghĩ khiến ta nghĩ những gì ta trải nghiệm lúc này là quan trọng nhất và cố định, thiếu đi sự mở rộng với những khả năng và sự hào hứng với các cơ hội mới ở tương lai. Chẳng hạn như, có một số người không dám dứt ra mối quan hệ độc hại, dù người đó đối xử với ta tồi tệ, nhưng ta không dám thoát ra vì ta sợ tiếng đời hay sợ ta không tìm được ai tốt hơn, hay ta cảm thấy ta già rồi, ta sợ hãi sự thay đổi và ta muốn chịu đựng.Hay chia tay người yêu, thi rớt, mất việc, ta xong đời rồi, đau khổ quá không ai đau khổ hơn tôi, và nỗi đau của tôi không ai thấu hiểu, tôi là quan trọng nhất, mà thiếu đi sự nhận diện về tính khách quan và vĩ mô của vạn vật. Ta quan trọng hóa các vấn đề nhỏ nhặt, sống quá xúc cảm và thiếu đi sự cân bằng với lý trí. Đó ko phải là sống “tình cảm” mà được xét là khuynh hướng “yếu đuối và thiếu tính linh hoạt” trong nhận thức.- Ta có khuynh hướng ghét người nào đó thể hiện được sự thành công, ghét cách họ nhìn, ghét cái cách họ “ra vẻ”. Ta có thể “vạch lá tìm sâu”, như việc “hạ thấp người khác xuống” sẽ khiến ta “cảm thấy tốt hơn về mình một chút” vậy.
Thực ra cách ta nhìn nhận người nào đó hay vấn đề phần nhiều thể hiện về bản thân chúng ta hơn là người khác. Bởi vì mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình những góc khuất của bối cảnh sinh trưởng, trải nghiệm, và rất nhiều yếu tố khác. Cái tâm “rỗng” khi nhìn nhận vấn đề và người khác, liệu mấy ai trong chúng ta có đủ kiến thức và sự can đảm để làm điều này?
Tóm lại, dù là chính bản thân hay người khác, đều dễ rơi vào các trạng thái này một lúc nào đó. Bản thân chúng ta không hoàn hảo. Sự ích kỷ, đố kị hay những cảm xúc tiêu cực khác đều là bản năng bình thường cũng như các trạng thái tích cực yêu thương, cảm thông, hạnh phúc vậy. Sự tiêu cực nguồn gốc là hệ thống cảnh báo nguy hiểm trong mã gene của chúng ta, là một cơ chế rất cần thiết.Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, để có thể sống an hòa với chính bản thân mình, ta cần nhận diện được “sự xấu xí” trong bản năng của chúng ta để tìm ra được giải pháp cân đối. Tập thói quen giữ tâm “rỗng”, khi nhìn ai đừng vội nhận xét, mà quan sát và giữ tâm thế mở để thấu hiểu, khi nói điều gì hãy dùng các từ “có khuynh hướng”, “có lẽ”, “góc nhìn”, “một số” thay cho các từ “tất cả mọi người” “ai ai cũng”.
Khi ta trò chuyện hay cân nhắc các khả năng và hãy lắng nghe nhiều hơn, tìm hiểu lý do của các góc nhìn khác biệt thay vì bực dọc. Có câu: mạnh mẽ không hẳn nằm ở cách biểu hiện dữ dội nhanh chóng qua cảm xúc mà là KHẢ NĂNG PHÂN TÍCH, NHẬN DIỆN VÀ KIỂM SOÁT NÓ TRONG NHỮNG HOÀN CẢNH ĐẶC THÙNếu như có ai đó cho rằng bạn là “Ms/Mr Biết Tuốt” khi bạn chia sẻ, hay có thể sẽ không thích bề ngoài bạn, cách bạn nói, cách bạn làm, và họ khi có bất kỳ cảm xúc tiêu cực gì tới bạn. Thì ta có thể nhìn nhận xem sự tiêu cực có tính xây dựng hay không xây dựng?
Nếu như sự ganh ghét đấy thể hiện nhiều về chính thế giới quan của họ, thì ta hãy nghĩ đó là vấn đề của họ thay vì là vấn đề của bạn.
Tôi còn nhớ có ngày lúc trẻ hơn, tôi từng rơi nước mắt và bực dọc khi tôi nghĩ mình làm không tốt, hoặc khi bị những sự tiêu cực xấu xí xung quanh tác động, hay cảm giác sự tự tin rơi xuống đáy không muốn ngước nhìn lên, hoặc chính bản thân tôi phải tranh đấu với những cảm xúc tiêu cực xấu xí trong mình, nhưng mà có ai không như tôi? Phải như thế để có thể một lúc nào đó đứng thẳng hơn, nhìn thẳng vào mọi thứ để đối diện rồi lại ngã rồi đứng, như một cán cân lung lay để giữ được sự thăng bằng, để “động” rồi “tĩnh”, và cứ thế liên tục xoay cuồng trong vòng “hỉ-nộ-ái-ố”. Chẳng phải những điều đó khiến chúng ta rất con người đấy thôi?
Chúng ta không hoàn hảo, vậy chúng ta hãy bình thường hóa việc bị ghét hay việc ghét ai đó. Và quan trọng hơn hết là, hãy tĩnh tâm, hãy hít thở sâu ít nhất 30 phút mỗi ngày để làm lặng yên bớt tâm trí, để có thời gian ngẫm về chính mình , và cuối cùng ta vẫn phải liên tục bước đi, một chặng đường dài sẽ đi tới đích đến là tàn úa, là bị lãng quên giữa đất trời thênh thang này. Và trước lúc thời gian tận cùng đó xuất hiện, ta sẽ chẳng biết mình trôi dạt về đâu cả thì ta hãy hướng tâm mình, tu dưỡng nó về nơi có ánh nắng mặt trời thay vì ẩn giấu dưới bóng đêm ủ rũ. Tu dưỡng trí lực và tâm lực không phải là chối bỏ là mở rộng đón nhận. Một ngày nào đó, thế giới sẽ chẳng còn ai nhớ đến ta nữa, thì ít ra, ta cũng đã không phí hoài những ngày nắng xuân, hay những bông hoa đẹp, một bầu trời cao rộng, và những cái nắm tay hay cái ôm ngọt ngào.
Lê Nguyên
(Một ngày mùa xuân – năm 2021)