Tản Văn Tản Văn - Thơ

Tản Mạn Về Lý Luận – Sự Công Bằng Và Sự Cân Bằng.

Lý luận là thứ ai cũng có, nhưng lý luận có cơ sở, lý luận công bằng không phải ai cũng hiểu và thực hiện đúng. Ngày nay chúng ta thường thấy thông tin tràn lan gồm cả thông tin sai sự thật, những trang blog hay website tạo tin gây shock vì động cơ nào đó (tìm kiếm sự nổi tiếng, giáo phái, vân vân) hay mục đích thương mại (click-bait) hay các phương án marketing để bán được hàng, vân vân.

Cái khó ở đây là nhiều người nghĩ răng tin thất thiệt thường rõ ràng và dễ nhận biết nhưng thực tế tin thất thiệt thường rất tinh vi, có thể pha lẫn với các dạng giả khoa học, hay là dạng lôi kéo từ những cá nhân có sức ảnh hưởng (lỗi ngụy biện “appeal to authority”), hoặc là đơn giản tin được chia sẻ từ một cá nhân thân thiết với bạn thì bạn sẽ dễ tin tưởng hơn vân vân.

Bản năng của con người thích bàn tán đàm luận. “Tám chuyện” là một bản năng giúp chúng ta có thể có được sự kết nối và lưu truyền kiến thức trong cộng đồng, để hợp tác và vận hành như một nhóm, giúp chúng ta sinh tồn tốt hơn so với sinh sống đơn lẻ. Câu chuyện luôn là thứ chúng ta luôn mở đầu hoặc duy trì một cuộc hội thoại với các cá nhân hay đội nhóm khác. Tuy nhiên ngày xưa chúng ta không có nhiều nguồn lực thông tin như bây giờ và tính hạn chế dù là điểm yếu lại có một điểm mạnh xen lẫn chính là chúng ta không bị loạn vì quá nhiều nguồn hay lựa chọn.

Thời đại chúng ta đang sống ngày nay là thời đại “sau sự thật” (post-truth era). Thông tin ngày nay tràn lan nhanh chóng chỉ qua một click chuột và bất kỳ ai cũng có thể viết tin và nhờ sự lan truyền của mạng xã hội, chưa kể thông tin đang là một dạng “tài sản” được đánh giá cao hơn cả kim loại quý như kim cương, vàng bạc bởi vì chỉ cần nắm thông tin về ai đó, ta gần như có thể thao túng hành vi của họ với các chiêu trò đánh vào tâm lý, để ta sợ hãi và nhờ vào sự sợ hãi mà lại lan truyền tin nhanh hơn. Tiếng dữ đồn xa, tiếng lành thì lại ít biết tới, sự ra đời của thông tin sai lệch, thuyết âm mưu, tin gây lối kéo dựa vào nguyên lý đám đông, điều khiển chúng ta, thao túng chúng ta, và khiến chúng ta tập trung vào phần “xấu xí” nhất của mình: sự cực đoan, sự thiên lệch thiên vị, và hơn cả là tiêu cực không vì lý do đặc thù thực tế nào. Thuật ngữ này gọi là “fear-mongering” – gây sợ hãi có tính lan truyền. Mục tiêu của hành động này thì như tôi đã đề cập ở trên.

Bản thân tôi xưa cũng đã từng rơi cái hố học sai thông tin, về sau đi học thì nhận ra sự nguy hiểm của thông tin sai lệch (misinformation) và tầm quan trọng của kiểm tra nguồn và tính thực hư thông tin (fact check skills). Bạn có thể xem thêm thông tin về cách kiểm tra thông tin thực hư tại đây từ thư viên của trường ĐH Harvard: https://guides.library.harvard.edu/fake .

Các kênh chúng ta nên đọc thì nên từ các cơ sở có thể có tính trách nhiệm pháp lý về phát ngôn của họ, ví dụ các thông tin chính phủ (.gov), các tờ báo khoa học, các trường đại học (đuôi edu.com, vân vân) và có kèm địa chỉ rõ ràng thậm chí có ghi rõ background đội ngũ viết, có chuyên viên có chuyên môn chỉnh lý thông tin. Vì tính trách nhiệm cao nên họ sẽ có thể chịu trách nhiệm rất lớn và áp lực hơn trước khi đăng tải thông tin, thì khả năng thông tin thiếu chính xác sẽ khá thấp và sẽ đa chiều và trung lập hơn. Ngoài truyền thông chính thống có đội ngũ editing chuyên nghiệp, viết theo lối trung lập đa chiều thì báo chí đại trà ngày nay bị thị trường hóa, đang phải cạnh tranh với thị trường thông tin thất thiệt để có tiếng nói, muốn viết câu view, họ sẽ chỉ cần tập trung ý gây shock là sẽ có được lượng chú ý lớn theo nguyên lý đám đông hơn là cách viết chỉn chu trong điểm (chi tiết này gọi là “bi kịch hóa” sự việc), kể cả blogger hay website cá nhân có động cơ gây danh tiếng cũng vậy, dù là có động cơ rõ ràng hay là bản năng chỉ viết để chia sẻ và mong được chú ý. Cho nên là các tờ báo ở VN dịch lại từ tiếng Anh của các nguồn tin thất thiệt và cho là cứ viết Tiếng Anh là đúng, có nguy hiểm không?

Một ví dụ điển hình về cách suy nghĩ “thế giới thật điên rồ” mà chúng ta thường có ngày nay sau khi dạo một vòng Youtube, hay Facebook. Xét sâu hơn và đa góc cạnh, trong dòng lịch sử thế giới, có lúc nào là không điên rồ. Diệt chủng, chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến tranh thế giới thứ hai, đói kém, và dịch bệnh ở thời kỳ lạc hậu còn kinh khủng ở diện rộng hơn như bây giờ, nhưng thông tin thời đó hạn hẹp nên chúng ta cho rằng nó yên bình hơn. Thực ra, thế giới tồn tại cộng gộp những mặt đa chiều phức tạp tới mức sự hạn hẹp trong tư duy của chúng ta vẫn mãi đặt câu hỏi “tại sao” cho vô vàn câu hỏi, nó khiến chúng ta khiêm nhường hơn và không cho rằng chúng ta đã hiểu hết và nhận định một mặt về thế giới. Thế giới diệu kỳ và tối tăm cũng như chúng ta là một phần của thế giới này, một sinh thể đẹp đẽ và tối tăm pha tạp giữa nhiều mặt nhiều tiếng nói trong chính tâm khảm của mình. Ít ra hiện nay ta đang sống ở một thế giới vẫn điên rồ, nhưng có đầy đủ nguồn lực của kho tàng tri thức mở rộng và còn đang tiếp nối, có sự tự do nhất định, tiện nghi và hòa bình.

Những cơ chế luật pháp, cấu trúc xã hội phức tạp có tính bình quyền nhiều như bây giờ cũng là sản phẩm của nhiều trí tuệ có lý luận đa góc cạnh, sự bổ sung thiếu sót nhờ việc học được thêm góc cạnh mới nhờ biến cố hay sai lầm. Con người tạo ra một hệ thống xã hội rất tinh vi, cho chúng ta nguồn lực phong phú, giúp ta thoát khỏi thời kỳ ăn lông ở lỗ, nhưng không phải chúng ta ai cũng hiểu được cách hệ thống vận hành.

Học về lý luận, hiểu lý luận là sự kết hợp của IQ và EQ, biết cách phát hiện lỗi ngụy biện, biết “fact check” thông tin, biết phân tích tình thế ở nhiều góc cạnh, chính là cách chúng ta văn minh hơn, sống công bằng và thấu cảm hơn.

Hôm nay tôi xem bộ phim Captain Fantastic, bộ phim khá là thú vị và lại gợi cho tôi những suy nghĩ cũ ngày xưa về tính cực đoan. Rốt cuộc tính cực đoan (extreme) dù là phía nào cũng ko tốt, hay định nghĩa hoàn hảo, đều là ảo ảnh của chúng ta về đúng sai, về được mất. Cái chúng ta cần ko phải là hoàn hảo hay đúng sai ở một góc, mà là chấp nhận thực tại đa chiều, phân tích chúng, áp dụng từng mục một trong hoàn cảnh cụ thể, và học sự “cân bằng”.

Cân bằng và công bằng, nó gần nghĩa lắm đấy.

Nguyên,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *