Tản Văn Tản Văn - Thơ

Nỗi Buồn Khi Trưởng Thành

Nỗi buồn khi trưởng thành thường nhét vào bên trong, âm ỷ và lặng lẽ như một người bạn, dai dẳng như một kẻ thù.

Đêm nay, cuộc chiến trong tôi lại bắt đầu, tâm tưởng tôi khao khát tự do, và tôi là linh hồn tự do, sự tự do cứu rỗi nỗi lạc lõng của tôi trong chính thế giới nơi mà tôi được sinh ra và lớn lên.

Có đôi lúc tôi tự hỏi, chúng ta đều là những linh hồn khác biệt, vậy thì điều gì làm chúng ta giống nhau, và điều gì khiến chúng ta trở nên độc nhất?

Dạng đau đớn hoặc tổn thương thể xác là dạng khổ ai cũng cảm nhận được dễ dàng, Nhưng có những dạng khổ khác mà chúng ta thường không nhận diện được, cái khổ vì những nhu cầu phức tạp của bản ngã, hoặc là những cái khổ về QUAN NIỆM và có lẽ là những ảnh hưởng của thế thời, có những nỗi khổ sinh ra là đã phải chịu đựng, những nổi khổ mà chỉ cần đứng trên cao nhìn xuống, chúng ta sẽ hiểu là do cái gì, vì điều gì, tại vì đâu?

“Rốt cuộc là ta sinh ra trong vòng xoáy của khổ ải, chúng ta luôn cảm thấy chúng ta khổ hay chúng ta tự làm mình khổ?

Chúng ta khao khát được tự do trong tâm tưởng hay chúng ta khao khát được chú ý được trở nên đặc biệt?

Rốt cuộc chúng ta muốn thoát ra hay muốn giằng xé trong đau đớn? Số phận quyết định hay chúng ta quyết định?”

Khi tôi còn bé chưa hiểu chuyện đời, tôi cho mình đặc biệt, và cái tôi được đẩy lên cao hơn khi tôi biết những điều mới, nhưng đến khi tôi lớn hơn. Tôi ráng vươn xa ra hơn để nhìn sâu hơn ở các góc nhìn khác, tôi bỗng thấy mình là kẻ ngu ngốc vụng dại, nhỏ bé như hạt cát giữa sa mạc. Tôi cũng chỉ như bao người đang bước trên một con đường thật nhiều hướng đi tới mức vô hướng, là một cá thể dù khác biệt nhưng vẫn chia sẻ nhiều sự tương đồng trên hành trình này. Có rất nhiều người họ đã đi qua cái ngưỡng mà tôi và các bạn đang thấy, hay cũng có những con người, tầm mắt bị che mất, đến nỗi họ chơi vơi trong chính bóng đêm của mình, họ giãy giụa đau đớn, nhưng chúng ta chẳng biết làm gì, chỉ có thể đứng nhìn bất lực dù đôi tay chúng ta muốn giang ra để giúp đỡ. Nhưng liệu ta có giúp được người khi chính bản thân ta cũng đang được giúp đỡ, hay liệu ta có nên can thiệp quá nhiều trong khi sự đau đớn là một phương thức thúc đẩy như tằm phá kén. Thật không đơn giản khi ta suy nghĩ tới góc độ này, phải không?

Phận tôi, tôi buồn vì tôi là con người nhỏ bé, đôi lúc chịu bất lực trước thời cuộc và thời gian, nhưng tôi lại nghĩ, hỉ nộ ái ối chẳng phải là một phần tất yếu của cuộc sống đấy thôi, và có lẽ tôi lại phải ngẫm nhiều hơn về việc chúng ta có lẽ không được tạo ra để “hạnh phúc” mà chỉ đơn thuần là tiến lên, thay đổi, và thích nghi với chính môi trường xung quanh của chúng ta mà thôi.

Hôm nay, vẫn như mọi ngày, sáng sớm tôi thức dậy, tôi nhìn mình trong gương, thở sâu và mỉm cười, tôi đối chọi với mọi thứ bằng một thái độ chai lỳ và bướng bỉnh hơn là việc nhắm mắt lại, bởi vì dù tôi có nhắm mắt hay bóng đêm che phủ thì con đường đi chính nó vốn dĩ không thay đổi, nó sẽ vẫn kéo dài và thậm chí khi tôi nhắm mắt, có lẽ nhiều nguy hiểm rình rập lại khiến mọi thứ tồi tệ hơn.

Tôi lấy tấm hình đứng trước bờ biển mà bạn tôi chụp cho tôi vào một ngày thu tại xứ sở sương mù. Tôi muốn nhắc cho mình nhớ, những tháng ngày tuổi trẻ, tôi đều ghi lại những bước chuyển mình ấy, tôi sẽ còn đi nữa, bùng nổ, hoặc chiến đấu oanh liệt, hoặc bộc phá, hoặc là tìm đến sự bình yên với núi rừng hoa cỏ

Tôi mở bản nhạc của Dan Gibson’s, lại đắm mình vào thứ âm nhặc róc rách tiếng suối và chim kêu, hít thở sâu. Thực ra, kiếp sống này quá vô thường, và sự bình thản an bình chính là điều duy nhất mà tôi phải học.

Lê Nguyên, 2017

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *