Tản Mạn Về Những Điều Khiến Tôi Thay Đổi Trong Thập Kỷ Qua.
(Góc Chia sẻ)
Nếu nói điều gì thay đổi thế giới quan và cuộc sống của mình từ thì kể ra mình biết ơn và suy ngẫm về những điều này nhất:
- Trước tiên là việc đầu tư học tập về nhiều ngôn ngữ (tiếp cận văn hoá mới, hiểu về con người và hiểu được ngôn ngữ là một sản phẩm tiến hoá diệu kỳ của chúng ta, đặc biệt khi học ngôn ngữ học thuật đã giúp mình vươn xa về cách nhìn nhận thế giới quan rạch ròi hơn thay vì việc cảm tính, tiếp cận được những thông tin mà tiếng Việt không có, phân loại, tổ chức hoá những thông tin về khoa học ứng dụng rất mới)
- Sau là bước ra khỏi vòng an toàn, dám thử thách mình, mình đã một thân một mình đi, khám phá, và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Mình đi để thấy được các góc nhìn chân thực nhất của thế giới thực ngoài sách vở, điều này dạy cho mình về việc tiếp nhận thông tin đa chiều hơn và nhận ra được điều cốt yếu của trí lực là về “sự hạn hẹp của các góc nhìn”. Ta là thứ ta ăn (thể chất), điều ta nghĩ (tinh thần) mà nguồn lực thông tin sẽ quyết định niềm tin, nội hàm, tính cách, thái độ và cách ta sống-làm việc. Mà yếu tố ảnh hưởng này sẽ lấy từ gene (thông tin ghi lại trong mã gene từ nhiều nhiều đời trước ghi nhận/biến đổi theo môi trường sống), môi trường sinh trưởng hiện thời, giáo dục, vân vân, chúng ta đều là sản phẩm của quá khứ – hiện tại – tương lai. Hay có thể hiểu đơn giản qua cách nói nôm na: Nguyên của bây giờ nghĩ khác Nguyên của những năm hai mươi, và dĩ nhiên những điều Nguyên cho là đúng bây giờ có thể sẽ không hẳn là đúng nữa khi những góc nhìn mới được mở ra ở tương lai. Vậy câu hỏi đặt ra là: Nguyên có nên thù hằn người đã nói điều không hay hay làm điều không đúng với Nguyên trong quá khứ? Có nên giày vò bản thân vì những gì xảy ra trong quá khứ? Có nên đánh giá người khác nhanh chóng thiếu suy xét hay không?. Nói thẳng ra tư duy mở là điều rất khó với văn hoá Á Đông đè nặng bởi tư tưởng cộng đồng và văn hoá cục bộ, nhưng nếu như chúng ta nhận diện được sự hạn hẹp của tư duy chính là bước đầu tiên để ta phát triển và thoát ra khỏi cái hộp (an open mind). Không thần tượng hoá, không lý tưởng hoá, không một chiều, từ đó cuộc sống gần như không còn tính tranh đấu, vì đơn giản bất kỳ ai coi nó là cuộc chiến về quan điểm thì với mình nó chỉ là góc nhìn, mình nghĩ cuộc đời là một cuộc rong chơi, trải nghiệm phó thác ở sự tự do trong tư tưởng. Có lẽ nhờ việc nhận ra điều này mà mình sống an nhàn, bình thản và dạo chơi như một chú chim sải cánh, hoá giải đi những gò bó, một cuộc đời của “nomad” trong thâm tâm.
- Không sợ sai, không ngại bị chỉ trích. Sai – sửa là một quy luật bất thành văn cho vấn đề hoàn thiện bất kỳ kỹ năng nào, thì tương tự với sự phát triển bản thân cũng vậy. Nếu ta không ngại sai, ta sẽ không ngại thất bại không ngại nỗi buồn. Nỗi buồn không xấu, nỗi buồn phục vụ cho sự hoàn thiện.
- Tâm lý học – khoa học thần kinh là một ngành khoa học nghiên cứu về trí óc con người, các nhóm hành vi đại chúng – cá nhân, các bệnh về tinh thần mà hầu như ở Việt Nam mình ít biết (một phần vì nguồn lực ở Việt Nam không có, hai là vì rào cản ngôn ngữ. Những nghiên cứu ở mảng này đa phần bằng tiếng Anh, đó là lí do càng học ở mảng này sẽ có rất nhiều thuật ngữ chỉ có thể hiểu và miêu tả nó nhưng không hề có cụm bằng tiếng Việt tương đồng). Những ai không tiếp cận được nguồn lực thông tin thì dĩ nhiên sẽ không biết nó tồn tại, yếu tố này mà ta thường ít nhận diện rõ cảm xúc, mà “cảm tính”. Khi ta nhận diện được thì ta sẽ tìm hướng giải quyết hoặc có khuynh hướng chấp nhận những cái ngoài tầm tay. Cảm xúc của con người vốn dĩ phức tạp nhưng nó đều được quản trị bởi cách não bộ hình thành và phản ứng với môi trường xung quanh để sinh tồn, và tìm cảm giác an toàn. Chính vì việc học nhiều về mảng này giúp mình đặt câu hỏi cho mọi cảm xúc mình có. Ví dụ: tại sao mình có suy nghĩ đó hay người đó có suy nghĩ đó? Bối cảnh sự việc là gì? Nếu một người nói cái gì đó “rất rất tốt”, mình sẽ đi tìm góc khuất, nếu ai đó nói cái gì đó “rất rất xấu, mình sẽ đi tìm hiểu sâu “xấu thế nào, tai sao xấu”, “hướng giải quyết”, “kết luận nhiều mặt mà tạm thời hiểu được”. Chính nhờ tư duy này mà mình có được sự điềm tĩnh hơn trong lời ăn tiếng nói, trong cách mình đối xử với mọi người. Nhờ tư duy rạch ròi mà quả ngọt chính là những mối quan hệ với chính bản thân sẽ lành mạnh, mà tư duy lành mạnh thì sẽ hoá giải rất nhiều thứ.
- Phân biệt khoa học – giả khoa học – thay thế các góc nhìn tâm linh bằng thái độ mở – không đúng mà cũng không sai.
Tại sao lại không nên quá tâm linh? Vì tâm linh là thứ ta không thấy bằng mắt thường ta đều tin vì người khác nói ta nghe hay ta coi những điều ta không hiểu được quy thành tâm linh hết. Khi ta không hiểu được, thì ta sẽ sợ hãi, mà sợ hãi thì ta sẽ không minh mẫn dẫn đến một cuộc đời phụ thuộc vào những điều mình mãi không bao giờ hiểu. Điều này không có nghĩa là bác bỏ tâm linh bởi vì sẽ có nhiều thứ khoa học không giải thích được nhưng vì không giải thích được thì càng phải nghi vấn. Nếu hiểu được rồi tin, đừng tin vì ta sợ vì thứ đó là thứ sẽ giết chết óc sáng tạo và sự tự tin của mình. Thực tế tôn giáo ra đời vì tính cộng đồng và do con người sáng tạo ra chủ yếu để thoả mãn được phần “tôi”, cố gắng lý giải về cội nguồn và ý nghĩa sự sống , cho nên chỉ cần bạn thấy an toàn với niềm tin tâm linh thì bạn cứ sống đúng với điều bạn muốn. Tuy nhiên tư duy mở – không không mà cũng không có này là tư duy đón nhận, không bác bỏ nhưng phải luôn hiểu bối cảnh và cơ sở của niềm tin. Tư duy mở này sẽ cho bạn được bình an vì bạn sẽ không còn sợ hãi.
Phân tích tiếp về KHOA HỌC. KHOA là trí tuệ, HỌC là nghiên cứu. Ngày xưa ta học từ những người đi trước (kinh nghiệm cá nhân của họ, học từ họ thì có cái hay là nó gần gũi vì họ và chúng ta sinh ra lớn lên gần như là một vùng đất, cùng hệ gene, chia sẻ văn hoá, nhưng vì tính cá nhân cho nên nó sẽ không thể đúng với nhiều trường hợp cho nên tính phiến diện sẽ gây ra nhiều ép buộc và hệ lụy tiêu cực không đáng có.) KHOA HỌC VỀ CƠ BẢN LÀ MỘT HỆ THỐNG TƯ DUY NGHIÊN CỨU ĐI TÌM CHÂN LÝ. MÀ CHÂN LÝ NGOÀI VIỆC NGHIÊN CỨU VẬT CHẤT THÌ NẾU MUỐN ĐÚNG THÌ PHẢI ĐƯỢC NGHIÊN CỨU DỰA VÀO SỐ ĐÔNG VÀ VỚI XÉT ĐA KHẢ NĂNG (SỐ LIỆU THỐNG KÊ VỚI NHIỀU NHÓM NGƯỜI VÀ CÓ CHUNG THÔNG SỐ KẾT QUẢ).ĐIỀU NÀY TẠO NÊN MỘT ĐIỀU KỲ DIỆU LÀ: khoa học đã và đang giúp ta thiết lập bình quyền nhiều hơn, giúp ta có được sự tự do và đầy nhân văn hơn? Những con người yếu thế đã được quan tâm hơn (người tật nguyền/người bị bệnh thần kinh bẩm sinh nhẹ-nặng, nhiều chính sách hơn giúp bảo vệ quyền con người) hay đã có những nghiên cứu là giới lưỡng tính tồn tại trong tự nhiên và vì chứng minh được điều này, ở nhiều nơi người ta đã nhận thức về những người đồng tính một cách công bằng, trao cho họ quyền tự do sống, yêu, và làm việc tuyệt đối như hai giới còn lại. Luật pháp cũng trao quyền cho họ và hôn nhân đồng giới ra đời. Vậy khoa học hỗ trợ luôn tính đạo đức ở một số khía cạnh. Khoa học đơn thuần rất tinh khiết, và nó tồn tại cả triệu năm, chúng ta muốn sinh tồn, ta muốn hiểu nhiều về thế giới và chính mình, nó đều là KHOA HỌC, CHỈ LÀ VỚI MỘT CÁI TÊN HOA MỸ MÀ THÔI. Nếu nói khoa học với lợi nhuận, lúc này bị ảnh hưởng bởi cơ chế tiền tệ, thì là do con người sử dụng khoa học ích kỷ vì lợi nhuận mà thiếu việc nhìn nhận về góc độ môi trường sống. Lúc này các nhà khoa học sẽ tiếp tục minh chứng điều này là sai trái thì sẽ nhiều người biết đến điều đó, nhà nước kèm theo sẽ ban hành luật (regulations), nhờ vậy nên ta mới thấy cuộc sống có phần công bằng hơn khi khoa học – công nghệ phát triển là vì vậy. Nếu ta bác bỏ khoa học vì ta sợ hãi, thì hãy nhìn thế giới thiếu khoa học trước kia, đầy mê tín dị đoan, đời sống khổ ải, vua chúa lộng hành, cướp bóc tràn lan, quyền con người tối thiểu, “con- phần cảm tính” nhiều hơn phần người “nhân văn – lý tính”. Khoa học là một hệ tư duy, một công cụ. Dĩ nhiên một công cụ muốn dùng khôn ngoan, người dùng công cụ phải được giáo dục về mặt nhân văn/triết học/khoa học thần kinh/lịch sử loài người để hiểu được mục tiêu cốt lõi của chúng ta trong thế giới này.
GIẢ KHOA HỌC LÀ CÁC BỘ MÔN PHA LẪN SỰ HUYỀN BÍ, THIẾU CHỨNG CỨ, THIẾU NHỮNG GÌ ĐÃ LIỆT KÊ Ở mảng khoa học chính thống, mảng này không được công nhận ở trường đại học và không có trường chính thống nào dạy các môn này, TÊN GỌI PSEUDO-SCIENCE, khi tìm tiếng Việt thì mình ít thấy, đọc bằng tiếng Anh sẽ có rất nhiều nhé. Ví dụ như chiêm tinh (astrology) hay sinh trắc vân tay đều đi ngược với nghiên cứu của khoa học thần kinh (Ng sẽ giải đáp ở một video youtube). Nói chung mình rất biết ơn việc học những điều trên vì nó giúp mình bình an. Bình an để tìm hiểu và không dễ lệch lạc bởi những nguồn tin đại chúng từ mọi kênh truyền thông.
- Điều cuối cùng, sự tĩnh lặng. Khi tĩnh lặng ta nghe và cảm nhận được nhiều hơn. Sự quan sát và tĩnh lặng cho ta bề sâu, và ta dễ giữ được cái tâm ngây thơ đón nhận, đôi khi ta không nghĩ gì cả, để khoảng trống trong đầu cảm nhận từng hơi thở sâu hay từng mạch máu chảy qua từng thớ thịt, để khi ta cần phải nghĩ thì đôi mắt sẽ được mở rõ ràng thông suốt hơn. Ta thiệt biết ơn mọi nguồn lực đã cho ta hiểu được bản thân và điều kỳ diệu trong mình. Ta mỗi giây đều già đi, qua từng hơi thở, cho nên ta coi việc sống là một đặc ân, hoá giải được những khốn khổ không đáng có, hay sự gò ép của tư duy. Ta tìm không đâu xa chính điều ưu việt nhất và kỳ diệu nhất là ở trong mình.
Chia sẻ để bằng an!
Nguyên,