Góc Nhìn
Những điều chúng ta từng nghĩ là mình đã hiểu đủ, thì khi ngẫm kỹ hơn lại thấy thiếu hụt hoặc không còn đúng nữa.
Không bao giờ có một khái niệm cụ thể nào khi suy xét vạn vật vì sự đa dạng của sinh thể và những mối quan hệ vây quanh nó rất phức tạp. Vậy nên chúng ta phải dần tập thói quen tìm hiểu thay vì nhận định đúng hay sai một cách vội vàng. Bể học rộng mênh mông ngay cả nghĩa từ nguồn lực tiếp cận cho tới sự suy ngẫm về kiến thức ta tiếp thu. Vấn đề ta cần bàn tới ở đây là: GÓC NHÌN.
Giả như hôm nay khi tôi cần giải quyết một vấn đề nào đó tôi đang thấy bế tắc, lúc này góc nhìn của tôi chắc hẳn đang có khuynh hướng bị tù túng, chưa thoát ra khỏi được những vòng suy nghĩ luẩn quẩn thì tôi sẽ cho mình thời gian để ngẫm nhiều hơn về các khả năng khác, ép mình thoát khỏi một cái hộp cố định của góc nhìn (thinking outside the box). Tôi nhận thức được những khuynh hướng suy nghĩ hơi có thiên hướng cực đoan hay tù góc mà tập dần thói quen tiếp nhận những sự khác biệt, những góc nhìn hay hướng giải quyết sáng tạo hơn, và việc khơi gợi hay tập quen với một góc nhìn mới đòi hỏi nỗ lực phát triển bản thân rất nhiều. Điều tôi muốn không phải đúng hay sai, mà là có được trạng thái “cân bằng” như một cán cân. Tuy nhiên, sự cân bằng là một quan niệm không hoàn hảo như ta tưởng, nó chính là một trạng thái cố gắng đạt được điểm bằng khi ta tiếp tục thả mình “chông chênh” trong một thời gian, có thể không ngắn, thậm chí có thể là dài.
Ở một góc nhìn khác, sự cân bằng trong trí tuệ là một trạng thái khiêm nhường tối ưu, không thiên về sự cực đoan trong tâm trí. Tuy nhiên, do con người thường có khuynh hướng ảnh hưởng bởi nhu cầu bản ngã, nên dễ nảy sinh sự tự đại, vì thế khi tự đại thì sẽ cố chấp với quan niệm hay góc nhìn của bản thân. Sẽ tới một lúc nào đó ta nhận diện được, việc khiêm nhường cũng là một dạng tri thức tối thượng giúp chúng ta sống vui vẻ và bình an hơn. Thiên đường hay địa ngục, đều là từ tâm trí của ta mà ra.
Tôi rất thích hai chữ “cân bằng”, càng hiểu về nó lại càng thích. 🙂
Lê Nguyên,