Ta Đi Đâu Cũng Chẳng Thể Từ Bỏ Được Bản Thân Mình
Pacific Ocean – Biển Thái Bình Dương, đầu bên kia chính là quê hương!
Ta đi đâu cũng chẳng thể bỏ đi được bản thân mình, những gì hình thành nên ta hiện tai chính được cấu thành từ một phần đắng cay ngọt bùi của tuổi thơ và các trải nghiệm quá khứ. Những trải nghiệm ấy hình thành cho ta sức mạnh hoặc song hành cũng những nỗi lo và sợ hãi về tương lai xa xôi. Tiềm thức ta khao khát sự an toàn và sự khao khát này không chỉ thể hiện ở việc ta mong muốn vật chất nhiều hơn mà còn thể hiện rất nhiều ở việc ta giao hòa các mối quan hệ với người xung quanh. Ta bây giờ là ta của quá khứ, là ta của hiện tại, cũng là ảo ảnh về ta của tương lai.
Sự hài lòng thoả mãn thường chỉ có tính tạm thời và chúng ta luôn có khuynh hướng đi tìm những yếu tố bên ngoài những mục tiêu xa vời để lấy đó là nguồn sống, ta so sánh bản thân mình với cuộc đời, lay lắt trong chính mớ bòng bong suy nghĩ của mình. Sự không mạch lạc và rõ ràng trong tâm trí khiến ta dễ nhu nhươc dễ lo âu và sợ hãi điều ta không biết ko rõ, “fear of the unknown”, và chính đó khiến ta ko hạnh phúc và tức giận về những điều không cần thiết, tự đó không tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường bên ngoài. Vậy nên viêc nhận diện được nó là bước đầu tiên ta biến mình ở vị thế kiểm soát và cân bằng.
Làm thế nào để ta định hướng đúng về tương lai mà không ám ảnh về ảo tưởng hạnh phúc xa vời?
Làm thế nào để ta nhận ra được các bài học trong quá khứ để không đớn đau vì nó, hoặc chấp nhận được sự đớn đau bất đắc dĩ để vươn lên mạnh mẽ?
Làm thế nào để ta biết ơn với cái chúng ta đang coi nhẹ?
Chẳng phải sự văn minh hiện tại của loài người đang bị ta xem nhẹ đấy thôi, hay chính trong cơ thể ta là một kết quả kỳ diệu của sự tiến hoá hàng trăm triệu năm, ta nhìn mình liệu có thấy được sự kỳ diệu của khối óc, của đôi mắt, của đôi bàn tay và đôi chân linh hoạt diệu kỳ?
Bài học khởi đầu là, hãy tập trung vào hơi thở hiện tại, tập trung gạt bỏ bớt những suy nghĩ ồn ào trong tâm trí, chẳng phải ta luôn là nô lệ của suy nghĩ trong mình? Và ta chẳng có được sự tự do ý chí như ta nghĩ. Hơi thở – thứ quý giá nhất mà ta vẫn coi thuờng, chẳng phải tập cách nhìn nhận cái ta có, tập biết ơn là nền tảng thay đổi chính tự bên trong, là bước đầu tiên giúp ta có cái nhìn chấp nhận về chính mình hay sao?
Tất cả chúng ta, dù sang hèn dù ở vị trí nào, đều cảm thấy khổ, cái khổ của họ thể hiện ở sự giận dữ cả trong lẫn ngoài, từ những ảo ảnh thêu dệt trong tâm trí cho tới những mơ mộng về một tương lai quá xa vời, vươn ra ngoài thay vì tập trung vào bên trong. Khổ từ thể xác yếu đuối không thắng được thời gian, khổ từ việc không thoả mãn, hay khổ vì chính cách ta được hình thành để sinh tồn được trong thế giới này. Những suy nghĩ trên, lại thêm một lần nữa hoà vào các kiến thức được khoa học hoá của nhà khoa học thần kinh Sam Harris. Mình nghe sách nói trên con đường ra biển và đọc nốt phần còn lại trong 2 cuốn sách Free Will và Waking Up của Sam. Đây là lần thứ 2 mình đọc đi đọc lại hai cuốn này. Càng đọc càng thấy thích và với mình một cuốn sách hay ko nên chỉ đọc một lần, cũng như những suy nghĩ đẹp nên được lặp lại thường xuyên vậy.
Thói quen của chúng ta là suy nghĩ liên tục. Thế nên ta tập thói quen mới, quan sát-tập trung, và dừng nghĩ ít nhất từ vài phút đến nửa tiếng trong ngày. Nghe có vẻ chán nhỉ, ngồi một chỗ chẳng làm gì lắng nghe hơi thở và tiếng rì rào sóng biển? Thực ra cái thú của nó chính là việc ta chẳng phải lo nghĩ gì và được tự do khỏi ách nô lệ của suy nghĩ!!!
Lê Nguyên – 06/2020